Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Biển nước dưới chân, 'bom nước' lơ lửng trên đầu

Ngập trước Trường Bùi Thị Xuân, TP. Biên Hòa, học sinh vất vả lên xe buýt.

Bien nuoc duoi chan, 'bom nuoc' lo lung tren dau - Anh 1

Quốc lộ bị chia cắt, dùng thuyền phao sơ tán hàng trăm hộ dân

Tình trạng ngập lụt tại các tỉnh Miền Đông Nam Bộ đang lặp lại “vết xe đổ” của TPHCM khi hệ thống thoát nước đã quá cũ kỹ, lạc hậu, còn các dự án chống ngập thì triển khai chậm chạp.

Cũng giống TPHCM, các hệ thống thoát nước tại các đô thị thuộc Miền Đông Nam Bộ gần như tê liệt hoàn toàn trước những cơn mưa lớn mấy ngày qua, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Tuyến quốc lộ 51 kết nối Đồng Nai - Vũng Tàu và tuyến quốc lộ 1K nối Bình Dương - Đồng Nai trong đêm 26.9 gần như bị chia cắt trong nhiều giờ đồng hồ do nước ngập quá sâu. Hàng trăm xe gắn máy, xe ôtô bị chết máy do ngập nước không thể lưu thông, người dân vất vả tìm đường về nhà. Trên quốc lộ 1K, khoảng 500m đoạn giáp ranh giữa TX. Dĩ An (Bình Dương) và xã Hóa An, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) bị ngập hơn nửa mét, giao thông tê liệt. Chị Lê Thị Lan (ngụ TP. Biên Hòa) cho biết: “Tôi từ TPHCM về Biên Hòa, đi đến đoạn đường trên thì xe chết máy, phải sửa xe tới tận nửa đêm mới về được nhà”.

Tại Bình Dương có lẽ ngập nặng nhất là thị xã Tân Uyên, mưa lớn trút nước như lũ gây ngập kinh hoàng và gần như cô lập cả khu phố Tân Bình, phường Tân Hiệp (TX Tân Uyên). Gần 200 người thuộc các lực lượng chức năng địa phương được huy động và phải dùng đến thuyền phao để sơ tán 100 hộ dân, 50 phòng trọ với hơn 300 người bị nước bao vây ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tình hình cũng “thê thảm”, khi rạng sáng 27.9, tại xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa nước ngập đến mức hàng trăm người dân phải sơ tán khẩn cấp đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng. Trên quốc lộ 51 đoạn qua thị trấn Phú Mỹ, xã Mỹ Xuân của huyện Tân Thành, TP.Vũng Tàu, tình trạng mưa ngập cũng làm xáo trộn cuộc sống của người dân.

Thiếu kết nối đồng bộ, chống nơi này, ngập nơi khác

Tình trạng giải quyết ngập tại các đô thị Đông Nam Bộ gần như cũng có điểm chung giống TPHCM, đó là chống ngập nơi này lại phát sinh nơi khác do thiếu sự kết nối đồng bộ. Trong một cuộc họp chống ngập khẩn cấp, ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: “TP. Biên Hòa ngập là chuyện đã được tiên lượng từ trước, nhưng do các dự án thoát nước triển khai chậm nên vẫn xảy ra ngập. Từ trước đến nay, chúng ta cũng ít chú ý đến việc thoát nước, như đường CMT8 là đường lớn nhưng làm cống rất nhỏ. Còn dự án chống ngập - suối Săn Máu, lúc chưa triển khai thì ngập ít, triển khai dự án để chống ngập thì ngập nhiều hơn do chưa kết nối đồng bộ”.

Trong khi đó, ông Trịnh Tuấn Liêm - GĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai thì cho rằng: “Xử lý được điểm ngập này thì lại phát sinh ngập ở điểm khác. Chúng tôi dùng giải pháp tình thế là các trạm bơm nước vào hồ Biên Hùng, nhưng khi gặp triều cường nước hồ lên cao thì giải pháp tình thế cũng không sử dụng được”. Theo ông Tạ Huy Hoàng - GĐ Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai đang có tới 25 điểm ngập úng do hệ thống thoát nước mưa quá cũ, lạc hậu và chắp vá.

Bien nuoc duoi chan, 'bom nuoc' lo lung tren dau - Anh 2

Tát nước ngập ra khỏi nhà tại TP. Biên Hòa.

Tình hình chưa khắc phục được thì hậu quả đã xảy ra tại Đồng Nai, cơn mưa trở thành lũ ngày 26.9 đã khiến một nam thanh niên (ngụ P.Tân Biên, TP. Biên Hòa) bị cuốn trôi tử vong khi đi qua một cây cầu không lan can, 25 điểm ngập tại TP. Biên Hòa đều mênh mông nước.

Trước muôn vàn nỗi lo ngập nước, đích thân ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã tổ chức đối thoại với dân để tìm giải pháp. Trong một cuộc họp khẩn cấp để đối phó với ngập lụt tại TP. Biên Hòa, mới đây, sau khi nghe trình bày từ các cơ quan chức năng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường nói: Chúng ta có nhiều nguồn tiền để giải quyết tình trạng ngập úng ở TP. Biên Hòa. Vậy tiền đã có rồi, chúng ta làm thôi, nếu không đủ lấy nguồn dự phòng ngân sách, mà vẫn không đủ nữa thì TP. Biên Hòa xuất quỹ tài chính để chống ngập khẩn cấp cho dân bớt khổ. Các sở, ngành không có lý do để nói là do không có tiền nên không triển khai dự án được.

Nỗi lo “bom nước” lơ lửng trên đầu

Nếu như TPHCM, tình trạng ngập lụt chủ yếu do mưa và triều cường thì các đô thị tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu còn đối mặt với nỗi lo xả lũ từ các “bom nước” lơ lửng trên thượng nguồn, như là: Hồ thủy điện Trị An nằm trên lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn H. Định Quán và Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đe dọa trực tiếp TP. Biên Hòa; hồ chứa nước Đá Đen đe dọa TP. Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu); hồ Dầu Tiếng đe dọa các đô thị Bình Dương.

Tại xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa đã xảy ra một trận ngập lụt lớn mà người dân cho rằng nguyên nhân do xả lũ. Bà Lê Thị Bảy, ngụ ấp 2, xã Tân Hưng cho biết: Khoảng gần 4h rạng sáng ngày 27.9, khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng động lớn, thức dậy thì thấy nước lênh láng khắp nhà, tràn vào ruộng vườn của chúng tôi. Lúc đó tôi chỉ kịp la lên, mọi người hô hoán nhau dậy và di chuyển đến những vị trí an toàn. Một số vật nuôi trong chuồng đã bị lũ cuốn trôi theo dòng nước.

Thống kê ban đầu của xã Tân Hưng cho thấy, trận lụt khiến 55 hộ với 165 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp, tài sản bị thiệt hại là vật dụng gia đình. Bên cạnh đó 150ha lúa, 20ha hoa màu, 3ha ao cá bị ngập hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người.

Theo các chuyên gia về thủy lợi, với những cơn mưa có vũ lượng lớn như trận mưa đêm 26.9 vừa qua, khi các hồ trên thượng nguồn đã tích đủ nước thì rất dễ xả nước để bảo vệ hồ, lúc đó hồ thủy điện trở thành quả bom nước uy hiếp dân cư hạ nguồn. Khi các hồ xả nước mà rơi đúng thời điểm triều cường trên các sông dâng cao thì tình hình ngập còn kinh hoàng rất nhiều, khi đó thiệt hại không biết sẽ ra sao nếu không ứng phó kịp thời.

Ông Phạm Minh Đạo - GĐ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, để đảm bảo an toàn hồ đập khi lưu lượng nước vượt quá mức cho phép thì bắt buộc phải xả lũ. Tuy nhiên, đã có quy trình xả lũ chứ không thể xả tùy tiện, mà phải có sự thông báo cụ thể trước và phối hợp với các cơ quan chức năng để sơ tán người dân, tài sản… Dù mọi người đều biết, các hồ xả nước đều có thông báo trước, có quy trình xã lũ, tuy nhiên với diễn biến thời tiết phức tạp thì rất khó lường trước chuyện gì có thể xảy ra.

HÀ ANH CHIẾN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét