Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Vì sao 'Sài Gòn thất thủ' sau trận mưa lịch sử?

Lượng mưa “khủng” chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập mỗi khi mưa to.

Vi sao 'Sai Gon that thu' sau tran mua lich su? - Anh 1

Đường Kinh Dương Vương (Q.6), Trần Văn Khê (Q.2, đoạn qua cầu Thủ Thiêm), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh),… là những điểm ngập kinh điển thời gian qua.

“Sài Gòn thất thủ” chính là cụm từ mà nhiều người sử dụng để mô tả tình trạng giao thông hỗn loạn, cảm giác bất lực của người dân giữa dòng nước lớn sau trận mưa lịch sử tối 26/9 vừa qua. Không những thế, trong 2 ngày tiếp theo, Sài Gòn lại tái diễn tình trạng ngập sâu dù mưa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn.

Về nguyên nhân gây ra những điểm ngập trên địa bàn thành phố, ngoài lượng mưa “khủng”, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đã chỉ ra thêm nhiều nguyên nhân khác, trong đó có ý thức của người dân trong việc xả rác bừa bãi.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, nhiều tuyến đường tại TP.HCM đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn bị ngập do lượng mưa vượt quá công suất của hệ thống thoát nước, đó là các đường Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân,…

Vi sao 'Sai Gon that thu' sau tran mua lich su? - Anh 2

Đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) mặc dù vừa được nâng cấp hệ thống thoát nước nhưng vẫn dễ dàng bị ngập hôm 26.9.

“Tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Bên cạnh đó, mặc dù UBND TP.HCM đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý nhưng tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch vẫn còn phổ biến”, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM nói tới vấn đề ách tắt dòng chảy thoát nước do ý thức của người dân gây ra.

Vi sao 'Sai Gon that thu' sau tran mua lich su? - Anh 3

Dòng nước mưa phải “đánh vật” với rác thải trước miệng cống để có thể chảy vào bên trong. Ảnh chụp ở đường Cống Quỳnh (Q.1) lúc 16h ngày 28.9 khi cơn mưa nặng hạt vừa bắt đầu.

Cũng trong thời gian qua, đã có nhiều dự án trong Dự án chống ngập giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai thực hiện, nhưng tiến độ chậm do vướng các thủ tục, như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, dự án cải tạo rạch Ông Búp, kênh tiêu Liên Xã, chân cầu Rạch Chiếc trên Xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Quá (Q.12),…

Trong quá trình thi công, có trường hợp chính các dự án thoát nước đã gây ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Ngoài ra, một số tuyến đường thường xuyên ngập đã được xử lý ngập bằng giải pháp tạm thời như đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu,… trong khi chờ triển khai dự án nên bị ngập khi mưa to là điều khó tránh khỏi.

Đặc biệt, báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết: Vì nhiều lý do, các dự án thuộc Quyết định 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp tới nay vẫn chưa thể triển khai thi công, trong khi quyết định này đã được ban hành gần 8 năm trước (28.10.2008).

Vi sao 'Sai Gon that thu' sau tran mua lich su? - Anh 4

Dự án chống ngập gây ngập ở đường Lương Định Của (Q.2), bởi gần 1km tuyến đường đang thi công công trình không có bất kỳ đường dẫn hay hệ thống thoát nước nào, thậm chí rào chắn bên đường càng khiến nước mưa ứ lại gây ngập nặng hơn.

Trước hàng loạt nguyên nhân kể trên, giải pháp về phía Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM là thực hiện 70 hạng mục công trình cấp bách (đấu nối, mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo một số đoạn cống làm thu hẹp dòng chảy cho điểm ngập,…) để chống ngập trong năm 2016. Đến nay đã thi công xong 57 hạng mục công trình và đang tiếp tục đợi cấp phép, triển khai các hạng mục còn lại.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tập trung duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh rạch ở những vị trí có khả năng gây ngập, khu vực đông dân cư, chợ, nơi buôn bán, khu vực có nhiều công trình xây dựng; tổ chức kiểm tra, bảo trì 27 trạm bơm thường xuyên.

Hiện tại, để kịp thời ứng cứu trước những trận ngập, Trung tâm Điều hành chương trình nước TP.HCM đang phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, đơn vị PCCC, các đơn vị công ích thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố,… xây dựng, triển khai các phương án ứng cứu cho từng vị trí có khả năng gây ngập.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét