Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Sự cố Formosa ảnh hưởng như thế nào tới GDP?

Lý giải về nguyên nhân khiến GDP sụt giảm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho hay, những năm trước nông nghiệp là “cứu cánh” cho nền kinh tế. Năm nay ngành này tăng trưởng chậm lại, chỉ chiếm 15% GDP.

Su co Formosa anh huong nhu the nao toi GDP? - Anh 1

Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo sáng 29/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết: GDP 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.

GDP cả nước vẫn tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng GDP của quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%) song GDP 9 tháng năm 2016 vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015.

Lý giải về nguyên nhân khiến GDP sụt giảm, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, những năm trước nông nghiệp là “cứu cánh” cho nền kinh tế . Năm nay ngành này tăng trưởng chậm lại, chỉ chiếm 15% GDP.

“Trong mức tăng 5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây”, ông Lâm cho hay.

Trả lời câu hỏi sự cố Formosa ảnh hưởng như thế nào tới GDP, ông Lâm cho hay: “Chúng tôi đã có những đánh giá về tác động của sự cố Formosa tại từng tỉnh chịu ảnh hưởng. Chủ yếu là tác động đến ngành thủy sản”.

Cụ thể, theo ông Lâm, sự cố môi trường biển xảy ra cuối tháng 4 tại vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt đã ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng; ngư dân phải tạm dừng đánh bắt ở vùng ven bờ và vùng lộng nên sản lượng thủy sản khai thác của các địa phương giảm mạnh.

Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng so với cùng kỳ năm trước của Hà Tĩnh giảm 3,66 nghìn tấn (giảm 14,4%); Quảng Bình giảm 6,0 nghìn tấn (giảm 13,4%); Quảng Trị giảm 4,8 nghìn tấn (giảm 27,1%); Thừa Thiên - Huế giảm 7,2 nghìn tấn (giảm 23,9%).

“Khai thác thủy sản 4 tỉnh này mặc dù không phải quá lớn song cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ này cũng như toàn nền kinh tế”, ông Lâm cho hay.

Ngoài sự cố môi trường biển, ông Lâm cho biết, trong 9 tháng năm nay, nông nghiệp còn chỉu ảnh hưởng rất lớn bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

“Đỉnh điểm là tháng Ba, tháng Tư và đầu tháng Năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân tại vùng bị thiên tai. Đặc biệt, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, xâm nhập mặn đã vào đến vùng lõi của Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân và sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương sau này”, ông Lâm cho biết.

Theo ông Lâm, ngành nông nghiệp cần thiết phải có các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục những bất cập từ biến đổi khí hậu, đồng thời tu bổ, nạo vét hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi ngăn mặn, xây dựng các hồ chứa để giữ nước ngọt phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

MẠNH NGUYỄN


0 nhận xét:

Đăng nhận xét