Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Công bố 3 tọa độ biển chưa an toàn

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra.

Về việc xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, phương pháp xác định, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung các đối tượng gián tiếp bị thiệt hại là chủ tàu và người lao động làm thuê trên tàu cá lắp máy công suất từ 90CV trở lên; chủ các cơ sở và người lao động làm thuê tại cơ sở (thu mua) tạm trữ thủy sản có kho đông, kho lạnh, cơ sở chế biến nước mắm, làm mắm tôm, các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải tạm dừng sản xuất do nguồn nước biển bị ô nhiễm tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý cho UBND 4 tỉnh lùi thời hạn gửi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kết quả tổng hợp, xác định tổng mức thiệt hại và kinh phí bồi thường hỗ trợ trên địa bàn đến trước ngày 15-9-2016.

Đối với lượng thủy sản đang lưu trong các kho lạnh, kho cấp đông chưa tiêu thụ được thì tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm. Các lô hàng đảm bảo an toàn thực phẩm thì cấp giấy xác nhận đảm bảo an toàn thực phẩm để lưu thông, tiêu thụ. Các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm thì tổ chức tiêu hủy theo quy định và hỗ trợ theo Quyết định772/QĐ-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với sản phẩm khai thác, nuôi trồng thủy sản sau thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố chất lượng môi trường biển (ngày 22-8-2016): lấy mẫu giám sát công bố chất lượng an toàn thực phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Để triển khai thực hiện đúng tiến độ các nội dung trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Y tế tăng cường tổ chức lấy mẫu, kiểm nghiệm và tổng hợp kết quả phân tích mẫu của các Bộ và địa phương; công bố thực phẩm thủy sản an toàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngay tọa độ 3 vùng biển chưa an toàn (Sơn Dương - Hà Tĩnh, Cửa Nhật Lệ - Quảng Bình, hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế); tiếp tục quan trắc môi trường biển, công bố chất lượng môi trường biển; hướng dẫn các địa phương tiêu hủy các lô hàng thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương, tránh ô nhiễm môi trường.

Cong bo 3 toa do bien chua an toan - Anh 1

Vùng biển rộng 160km2 tại khu vực hòn Sơn Chà (ảnh) thuộc địa phận TT-Huế, giáp ranh với TP Đà Nẵng được coi là vùng biển chưa an toàn.

3 tọa độ không an toàn

Cùng ngày, trả lời báo giới, ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Ngày 29-8, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản 7268 về hướng dẫn nuôi trồng thủy sản; khai thác hải sản, giám sát an toàn phực phẩm và sản xuất muối tại các tỉnh Bắc miền Trung. Văn bản hướng dẫn này dựa trên các phân tích chỉ số môi trường của Bộ TNMT, đồng thời căn cứ vào các kết quả khảo sát của Bộ NN&PTNT.

- Đối với nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia nuôi trồng thủy sản mặn, lợ bình thường trong vùng biển ở 4 tỉnh miền Trung đối với tất cả các phương thức nuôi trồng: nuôi lồng bè, bãi triều và trong ao.

- Đối với khai thác, tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia khai thác bình thường, tuy nhiên để bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh là nơi cư trú của các loài thủy sản, Bộ NN&PTNT khuyến cáo ngư dân chưa tham gia khai thác tại 3 khu vực biển ở 3 tọa độ gồm: hòn Sơn Dương (Nghệ An) cách bờ 1,5km, với diện tích 300km2, Cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) cách bờ 1,5 km với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (TT-Huế), cách bờ 1,5km với diện tích 160km2.

Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo người dân không tham gia khai thác cá tầng đáy (lưới kéo, rê đáy, câu đáy) ở các vùng miền cách bờ từ 20 hải lý trở vào.

N.L-T.T


0 nhận xét:

Đăng nhận xét