Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Hải Phòng mạnh tay xử lý ô nhiễm môi trường

Hải Phòng đang đối mặt với những nỗi lo về ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp.

Giám đốc Sở TN&MT Hải Phòng Phạm Quốc Ka cho TTXVN biết, tình trạng xả thải ra môi trường tập trung ở một số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, hóa chất như: Công ty cổ phần xi măng Tân Phú Xuân, Nhà máy gang thép Vạn Lợi, Nhà máy giấy Hapaco...

Đặc biệt, nhiều DN đã lắp đặt công trình xử lý chất thải nhưng không vận hành, chỉ khi có đoàn kiểm tra mới vận hành để đối phó. Những năm qua, kinh tế suy thoái, trong khi việc vận hành xử lý chất thải rất tốn kém, nên nhiều DN tìm cách xả trộm để giảm bớt chi phí.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định: Thời gian qua, Thành phố luôn chủ động kiểm soát danh mục dự án của các nhà đầu tư và kiên quyết từ chối dự án đầu tư không bảo đảm vệ sinh môi trường đầu tư vào Hải Phòng.

Đã có 2-3 dự án có số vốn đầu tư khoảng 300-400 triệu USD không bảo đảm được yêu cầu vệ sinh môi trường bị Thành phố từ chối trong năm 2015.

Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục đẩy nhanh phát triển các khu, cụm công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt; di dời DN ở các khu đô thị vào trong các khu công nghiệp tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thành phố cũng tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thu hút các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời có trách nhiệm kiểm soát nước thải, khí thải bảo đảm các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường xanh, sạch.

Lãnh đạo Hải Phòng cho rằng: Nhiều nhà máy được xây dựng trước đây có hệ thống xả thải kém, dẫn đến có hiện tượng xả thải trộm làm ảnh hưởng đến môi trường chung của Thành phố, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Đối với những trường hợp này, Hải Phòng sẽ có những biện pháp mạnh để khắc phục.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu đóng cửa, dừng hoạt động nhà máy sản xuất giấy gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, yêu cầu Công ty TNHH Hapaco Hải Âu dừng sản xuất, di dời xí nghiệp giấy đế sử dụng nguyên liệu từ tre, nứa, róc xả thải ra môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm kể từ ngày 20/8/2016 theo đúng cam kết với UBND Thành phố.

Kết quả bước đầu về việc xử lý ô nhiễm môi trường của Hải Phòng là minh chứng cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là: "Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân".

Cá chết trên sông Chà Và có thể do thiếu oxy

Hai Phong manh tay xu ly o nhiem moi truong - Anh 1

Cá chết nổi trên mặt nước tại khu nuôi cá lồng bè của ông Trịnh Văn Năm (tiểu khu 8) vào ngày 26-8. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

Ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin cá lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) thời gian gần đây chết hàng loạt, Chi cục đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 26/8, có 8 hộ nuôi cá lồng bè trên tiểu khu 4 và 8 có cá chết với số lượng ước tính khoảng 35.000 con cá chim và khoảng 5.000 con cá bớp. Ước tính thiệt hại ban đầu là khoảng 3,5 tỷ đồng.

Qua quan sát, đánh giá cảm quan chất lượng nguồn nước và lấy mẫu cá chết để mổ khám, kết quả cho thấy, hầu hết các mẫu không có hiện tượng xuất huyết bên trong. Các bộ phận nội tạng của cá không có dấu hiệu bị bệnh. Cá bỏ ăn, bao tử rỗng, mang cá có hiện tượng tổn thương nhẹ do thiếu oxy.

Theo nhận định ban đầu của các cơ quan chức năng, theo chu kỳ, vào tháng 8 và 9 hằng năm, khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu có mưa nhiều. Nguồn nước mưa từ trên bờ đổ xuống làm độ mặn của nước sông giảm đột ngột, gây sốc, khiến cá bỏ ăn. Cùng với đó, các nguồn ô nhiễm khác do nước mưa cuốn theo từ trên bờ xuống, làm nguồn nước bị thiếu oxy cục bộ. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến cá tuột nhớt và chết nhanh.

Đoàn công tác đã lấy 3 mẫu nước, 3 mẫu cá tại bè thuộc các khu vực khác nhau xét nghiệm, phân tích tìm nguyên nhân gây chết cá.

Chi cục Thú y cũng khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng bè cần tăng cường sục khí để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho cá, nhất là thời điểm con nước đứng. Đặc biệt chú ý lúc nửa đêm trở về sáng vì thời điểm này hàm lượng oxy trong nước giảm thấp nhất trong ngày.

Các hộ nuôi phải vệ sinh sạch sẽ lưới của các lồng để tăng cường sự trao đổi nước, giúp lồng thông thoáng hơn; thu gom xác cá chết và xử lý theo quy định, không vứt xác cá chết trôi nổi trên sông, tránh gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi khác.

Hà Anh (tổng hợp)

Share on Tumblr


0 nhận xét:

Đăng nhận xét