Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Liên tiếp xảy ra các vụ thủy sản nuôi trên các sông chết hàng loạt. Vì sao?

Dưới góc độ khoa học và từ kinh nghiệm thực tế, theo TS Bùi Quang Tề, có ba vấn đề chính liên quan tới môi trường sinh sống của thủy sản. Đó là nhiệt độ nước, độ pH và ôxy. Ngoài ra, còn có một số nhóm chất độc, vi khuẩn khác như NH3, NO2, NO3, H2S, E.Coli...

Lien tiep xay ra cac vu thuy san nuoi tren cac song chet hang loat. Vi sao? - Anh 1

Môi trường nước tại các dòng sông hiện chưa được chú trọng đúng mức

Báo động từ năm 1990

Trao đổi với chúng tôi, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I chia sẻ, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngọt tại các con sông đã được ông và nhiều nhà khoa học đề cập từ những năm 1990 với hàng loạt cảnh báo trên các sông.

Dưới góc độ khoa học và từ kinh nghiệm thực tế, theo TS Bùi Quang Tề, có ba vấn đề chính liên quan tới môi trường sinh sống của thủy sản. Đó là nhiệt độ nước, độ pH và ôxy. Ngoài ra, còn có một số nhóm chất độc, vi khuẩn khác như NH3, NO2, NO3, H2S, E.Coli, Salmonella…

Theo đó, môi trường nước tốt nhất để thủy sản nước ngọt sinh trưởng, phát triển là ôxy trên 5mg/lít, các chất độc dưới 0,1mg/lít, pH 6,5-8,5… Nếu không đáp ứng được tương đối đồng bộ các chỉ tiêu trên cá sẽ chết, chậm lớn hoặc hay bị bệnh.

Cũng theo TS Bùi Quang Tề, khoảng những năm 1990, Hà Nội có chủ trương phát triển nuôi cá lồng trên sông Nhuệ, song ông ngay lập tức phản đối, bởi sau khi tiến hành đo ôxy nhiều lần vào 15h chiều tại sông Nhuệ đều chỉ đạt 3 mg/lít, trong khi nuôi cá lồng tối thiểu phải 5 mg/lít.

Lần khác, khi huyện Mê Linh có chủ trương nuôi gần 500 lồng cá trắm cỏ trên 10km sông Hồng, cũng vấp phải sự phản đối của TS Bùi Quang Tề, bởi mật độ quá dày, nguy cơ ô nhiễm nước hiện hữu.

Đặc biệt, khi phong trào thủy điện phát triển kéo theo phong trào nuôi cá lồng bè trên các lòng hồ, thượng nguồn các hồ thủy điện như Trị An, La Ngà, Tuyên Quang, Sông Lô, TS Bùi Quang Tề đã từng chứng kiến có khu nuôi cá lên tới 300 - 400 lồng bè san sát nhau. Đến khi cá chết hàng loạt không cứu được, bởi cá chết chủ yếu vì ô nhiễm nguồn nước, vì thiếu ôxy chứ không hẳn do bệnh.

“Những năm 1990 thực trạng nguồn nước tại sông ngòi tại miền Bắc nước ta đã vậy, nay khu công nghiệp, nhà máy ngày một nhiều hơn, dân cư tăng lên cấp số nhân đủ biết hệ thống sông ngòi nước ta đang bị quá tải và ô nhiễm đến đâu. Nói tóm lại, nuôi cá lồng bè trên sông hiện nay được coi là một nghề nguy hiểm”, TS Bùi Quang Tề cảnh báo.

Sông nào còn an toàn cho cá?

Theo TS Bùi Quang Tề, riêng khu vực phía Bắc, nhiều con sông đang bị ô nhiễm nặng như sông Nhuệ, sông Đáy, Châu Giang, sông Cầu, Ngũ Huyện Khê, Đồng Khởi…, không nên nuôi thủy sản hoặc lấy nước (trừ khi có công nghệ xử lí) để nuôi trồng. Bởi thực tế, qua quan trắc cho thấy hàm lượng Nitrat (NO3), Amoniac (NH3) tại các sông này thường xuyên ở mức 2 - 5 mg/lít, trong khi tiêu chuẩn quy định chỉ là 0,25 mg/lít, tức là vượt 10 - 20 lần cho phép, cho con gì xuống chết con đấy.

Lien tiep xay ra cac vu thuy san nuoi tren cac song chet hang loat. Vi sao? - Anh 2

Chất lượng an toàn của thủy sản lồng tại các dòng sông hiện còn bỏ ngỏ

Một số hệ thống sông lưu lượng nước vẫn còn khá lớn để nuôi trồng thủy sản, song cần phải có giải pháp và phương án để kịp thời xử lí sự cố xảy ra khi mực nước xuống thấp hoặc lượng ôxy giảm đột ngột. Đó là hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Chảy, sông Lô, sông Kinh Thầy…

Từ các kinh nghiệm thực tế, giải pháp xử lí nước hiệu quả nhất hiện nay chính là đặt thiết bị quan trắc đo hàm lượng ôxy, pH, nhiệt độ, kim loại nặng… bình quân 2 tiếng/lần. Nếu phát hiện sự thay đổi quá ngưỡng cho phép, cần tiến hành sục khí, quạt nước nhằm tăng hàm lượng ôxy, giải phóng các khí độc lẫn trong nước.

Bên cạnh đó, còn có một số biện pháp cơ học khác như: nuôi mật độ thưa (bình quân 3 - 5 con/m2), cho ăn hạn chế khi thời tiết thay đổi hay nuôi các loại cá có sức chống chịu tốt như rô phi (các loài cá khác đều cần ôxy trên 5 mg/lít, rô phi có thể chịu được ôxy dưới 5 mg/lít).

+ “Không biết bao nhiều lần tôi nhận được điện thoại hỏa tốc đề nghị đi cứu chữa cá chết nuôi tại lồng bè trên các dòng sông. Tuy nhiên, khi đến nơi đa phần đều vô phương cứu chữa, bởi cá thường chết tầm 3h sáng, do lúc này lượng ôxy trong nước thường thấp nhất, trong khi 8h - 9h người dân và cơ quan chức năng phát hiện đã muộn rồi. Do đó, nếu muốn nuôi cá trên sông phải có giải pháp, nếu không sớm muộn gì cũng có lúc cá bị chết hàng loạt”, TS Bùi Quang Tề nhấn mạnh.

+ Về thực trạng môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I, ông Trần Thế Mưu cho biết, Viện hiện có 1 trung tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, quan trắc vấn đề môi trường thủy sản, nhưng chủ yếu theo nhiệm vụ và đơn đặt hàng từ phía Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, hoặc khi có sự cố xảy ra. Do không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên nên rất khó nắm bắt kịp thời môi trường nước, chất lượng thủy sản trên các dòng sông hiện nay.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét